Để phát triển bền vững doanh nghiệp hay cá nhân đều cần có năng lực này

Trước hết hãy cùng nói đến sự phát triển của nhân loại. Hãy xem xét các số liệu và tưởng tượng bạn được du hành xuyên thời gian trong các trường hợp sau:

Nếu bạn đang sống ở những năm 150.000 TCN, bạn sẽ ngất vì sốc nếu được đưa đến năm 10.000 TCN (Khoảng cách 140.000 năm).

Nếu bạn đang sống ở những năm 10.000 TCN, bạn sẽ ngất vì sốc nếu được đưa đến năm 1800 SCN (Khoảng cách 11.800 năm).

Nếu bạn đang sống ở những năm 1.800, bạn sẽ ngất vì sốc nếu được đưa đến năm 2015 (Khoảng cách 215 năm).

Và rất có thể chúng ta, những người đang sống ở những năm 2021, có thể sẽ ngất vì sốc nếu được đưa đến năm 2035 (Khoảng cách 15 năm).

Tại sao bạn sẽ ngất vì sốc? Là bởi vì mọi thứ sẽ gần như thay đổi hoàn toàn, đến mức bạn sẽ cảm thấy bạn không thuộc về thế giới đó nữa.

Có một câu chuyện vui thế này, tại Mỹ, có một người đàn ông được tại ngoại sau khi lĩnh án hơn 25 năm tại một nhà tù hẻo lánh. Chỉ sau 2 ngày được thả thì ông xin được trở lại nhà tù. Khi phóng viên phỏng vấn thì ông nói rằng: “Tôi thấy mọi người ai cũng nói chuyện với cái gì đó ở trên tay, tôi thực sự không hiểu mọi người đang làm gì, tôi cảm thấy tôi không thuộc về nơi này.”.

Bạn có thể thấy, tốc độ phát triển và thay đổi của thế giới đang tăng rất nhanh nhờ vào công nghệ, những thay đổi này đến như một lẽ tự nhiên. Và khi nó đến thì sẽ có những lĩnh vực mới xuất hiện, những lĩnh vực cũ biến mất. Tương tự như vậy, rất nhiều công việc mới xuất hiện, công việc cũ bị thay thế hoặc biến mất. Theo nhiều nhà khoa học dự đoán, đến 2022, 50% dân số sẽ mất việc vì sự thay thế của AI và những công nghệ khác.

Nói đến đây bạn sẽ thấy có mấy câu hỏi mà dù là Doanh nghiệp hay Cá nhân đều cần trả lời:

  • Làm thế nào để theo kịp với sự thay đổi? (Không bị loại bỏ khỏi cuộc chơi)
  • Làm thế nào để dẫn dắt hoặc tạo ra sự thay đổi?

Nhiều người sẽ trả lời là “Cần có nhiều ý tưởng”.

Thực ra, ý tưởng không phải là tất cả.

Câu chuyện của Kodak từng là một công ty có quyền lực nhất thế giới đã đệ đơn phá sản vào năm 2012, ngày nay Kodak chỉ có vốn hoá chưa tới 1 tỷ đô. Sự thất bại của Kodak đến từ việc không bắt kịp giai đoạn công nghệ kỹ thuật số ra đời. Thực ra không phải vì Kodak thiếu ý tưởng, vào những năm 1975, một kỹ sư của Kodak đã sáng tạo ra nguyên mẫu đầu tiên của máy ảnh Kỹ thuật số. Máy ảnh này to bằng máy nướng bánh mì, mất 20 giây để chụp ảnh, chất lượng thấp và yêu cầu kết nối phức tạp với TV để xem, nhưng bạn phải công nhận rằng nó có tiềm năng đột phá rất lớn tại thời điểm đó. Như vậy rõ ràng không phải do Kodak không có ý tưởng, vấn đề có lẽ nằm ở chỗ Kodak chưa thực hiện tốt ý tưởng đó.

Một kỹ sư của Kodak đã sáng tạo ra nguyên mẫu đầu tiên của máy ảnh Kỹ thuật số (Ảnh minh hoạ)
Một kỹ sư của Kodak đã sáng tạo ra nguyên mẫu đầu tiên của máy ảnh Kỹ thuật số (Ảnh minh hoạ)

Ngày này, khi nhu cầu của con người tăng lên, công nghệ cũng đa dạng hơn thì việc cạnh tranh cũng rất khắc nghiệt, các doanh nghiệp cần tìm kiếm những con đường mới để đảm bảo vị thế của mình. Bên cạnh đó các cá nhân cũng cần không ngừng làm mới mình để thích nghi với xu thế chung.

“Nếu bạn luôn làm theo cách cũ thì bạn chỉ nhận được kết quả cũ mà thôi.” – Albert Einsten

Tôi cho rằng, để tạo ra sự đột phá, cũng như phát triển bền vững thì dù là cá nhân hay tổ chức thì đều cần trang bị cho mình năng lực “Đổi mới sáng tạo” (Innovation), đổi mới sáng tạo không chỉ dừng lại ở việc có ý tưởng mới mà còn là biến ý tưởng đó thành hiện thực và tạo ra giá trị thật.

Đổi mới sáng tạo là hành động tạo ra một điều gì đó mới mẻ (new) và có giá trị (valuable).

Trong kinh doanh, đổi mới sáng tạo có thể giúp tạo ra sản phẩm mới, dịch vụ mới, quy trình mới, chiến lược mới thậm chí một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới.

Đối với cá nhân, đổi mới sáng tạo có thể giúp tạo ra ý tưởng mới, cách làm mới, thậm chí kiến tạo một sự nghiệp mới.

Làm thế nào để có được năng lực đổi mới sáng tạo?

Chúng ta thường cho rằng sự sáng tạo phần nhiều là năng lực bẩm sinh, điều đó có lẽ đúng với các lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, còn trong việc đổi mới sáng tạo (theo định nghĩa ở phía trên) thì có rất nhiều lý thuyết, phương pháp để giúp bất kỳ ai, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể học, thực hành và làm chủ năng lực này.

Với tổ chức thì chúng ta sẽ cần những con người có năng lực đổi mới sáng tạo, chúng ta cần có môi trường và những cơ chế thúc đẩy sự sáng tạo, chúng ta cũng cần có khả năng đưa những ý tưởng vào thực tế. Với cá nhân thì chúng ta cần có tư duy đổi mới sáng tạo, cần có hiểu biết về ngành/lĩnh vực, cần có phương pháp đổi mới sáng tạo phù hợp.

May mắn là tất những điều kể trên đều có thể tích luỹ và xây dựng được, chỉ cần bạn và tổ chức của bạn nghiêm túc đầu tư và theo đuổi đến cùng.

Trong loạt bài sắp tới tôi sẽ viết dần dần và dẫn bổ sung vào bài viết này, bắt đầu với Tư duy đổi mới sáng tạo vì đây là những niềm tin nền tảng để bắt đầu hành trình Đổi mới sáng tạo.

Kết

Năng lực Đổi mới sáng tạo là một năng lực có tầm ảnh hưởng lớn, nếu bạn có năng lực này thì một cách tự nhiên rất nhiều những năng lực khác của bạn được củng cố thêm sức mạnh. Tôi cho rằng đây là năng lực mà bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân nào cũng nên có nếu muốn tạo ra vị thế phát triển bền vững.